Hoàng thái hậu nhà Hán Lã hậu

Nhân trư sự kiện

Lã Thái hậu không hãm hại đại đa số các phi tần của Hán Cao Tổ, ngược lại còn hậu đãi và đối xử theo như luật đề ra. Những phi tần nào sinh được con trai đều được phong tước Vương thái hậu (王太后) và cùng con trai trở về đất phong cư ngụ, như trường hợp của Bạc phu nhân, mẹ của Đại vương Lưu Hằng. Chỉ trừ duy nhất trường hợp của Thích phu nhân, vị phi tần đã cậy sủng kêu ngạo muốn con trai mình Triệu vương Lưu Như Ý thay thế ngôi Thái tử của Lưu Doanh. Lưu Như Ý lúc đó đang ở đất phong nước Triệu, nên Lã Thái hậu đã trừng phạt Thích phu nhân.

Phụng ấn bằng ngọc bích của Lã hậu trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây

Năm Hiếu Huệ nguyên niên (195 TCN), tháng 12, Lã Thái hậu sai bắt giam Thích phu nhân ở Vĩnh Hạng cung[31]. Oán hận Thái hậu, Thích phu nhân ngâm nga câu: 「Tử vi vương, mẫu vi lỗ, chung nhật thung bạc mạc, thường dữ tử vi ngũ! Tương ly tam thiên lí, đương thùy sử cáo nhữ?」[32], đại khái ý tứ rằng "Con trai là Vương, mà mẫu thân đây phải là nô bộc, suốt ngày giã gạo đến sắp tối, thường thường bầu bạn với cái chết! Mẹ con phân ly ba nghìn dặm, làm sao có thể báo cho con biết tin?".

Lã Thái hậu tức giận, bèn gọi Triệu vương Như Ý đến Trường An, âm mưu hạ độc Triệu vương. Sứ giả của Lã Thái hậu triệu tập, Tướng quốc nước Triệu là Chu Xương cự tuyệt không nghe lệnh. Lã Thái hậu cả giận, bèn sai người gọi Chu Xương về. Chu Xương về đến Trường An, Thái hậu lại sai người mời Triệu vương lần nữa, đành phải ra đi. Hán Huệ Đế thương em, biết Thái hậu giận, nên thân hành đón Như Ý ở Bá Thượng, rồi luôn luôn kèm lúc Như Ý đi đứng, ăn uống. Lã Thái hậu muốn giết Như Ý nhưng không có dịp. Một hôm, Huệ đế buổi sớm ra đi săn bắn, Như Ý không theo do còn sớm tham ngủ. Thái hậu nghe tin Như Ý ở một mình, bèn sai người mang thuốc độc đến cho Như Ý uống. Như Ý uống xong thì chết.

Năm Hiếu Huệ thứ 2 (194 TCN), mùa đông, Lã Thái hậu bắt đầu trả thù Thích phu nhân. Lã Thái hậu bèn sai chặt chân tay Thích phu nhân, móc mắt, đốt tai, bắt uống thuốc thành câm, cho ở trong nhà tiêu gọi đó là Nhân trư (人彘), nghĩa là con người lợn.

Sau mấy hôm, Thái hậu cho gọi Huệ Đế vào để xem "Nhân trư". Hán Huệ Đế thấy, ngạc nhiên bèn hỏi, biết đó là Thích phu nhân, liền khóc rống lên, do quá ám ảnh mà ông mắc bệnh, sai người nói với Thái hậu:"Việc đó không phải là việc con người làm! Tôi là con của thái hậu, không thể nào trị thiên hạ được"![33]. Huệ Đế bất lực trước sự độc ác của Thái hậu, không có cách nào ngăn cản được, vì thế ngày đêm uống rượu chơi bời dâm dật, không nghe chính sự, cho nên mắc bệnh. Vì thế, Lã Thái hậu nắm quyền chuyên chánh[34].

Chủ trì chính sự

Sau khi Huệ Đế lâm bệnh, triều chính đều do Lã Thái hậu tạm quản. Mùa đông năm Huệ Đế thứ 2 (194 TCN), những người anh em là Nguyên vương nước Sở, Điệu vương nước Tề (Lưu Phì) đến chầu. Hán Huệ Đế cùng ăn tiệc và uống rượu với Tề vương Lưu Phì trước mặt Lã Thái hậu, vì ông cho rằng Lưu Phì là anh nên để ngồi ghế trên theo lễ những người trong nhà. Thái hậu nổi giận, bèn sai rót hai chén thuốc độc đặt trước mặt mình, sai Lưu Phì chúc thọ. Khi Lưu Phì đứng dậy, Huệ Đế cũng đứng dậy nâng chén muốn cùng chúc thọ với Lưu Phì. Thái hậu sợ quá, thân hành đứng dậy hắt chén rượu của Huệ Đế.

Thấy hành động của Thái hậu, Lưu Phì lấy làm lạ, do đó không dám uống, giả vờ say đi ra. Khi hỏi, Lưu Phì biết đó là thuốc độc nên sợ hãi, tự cho rằng không thể ra khỏi Trường An nên rất lo lắng. Quan nội sử của Lưu Phì tên là Sĩ nói:"Thái hậu chỉ có một mình Hoàng đế và Lỗ Nguyên công chúa. Nay Đại vương có hơn 70 thành, mà Công chúa[35] chỉ có vài thành, nếu Đại vương quả thực đem một quận dâng cho Thái hậu để làm ấp tắm gội của Công chúa, thì Thái hậu thế nào cũng mừng rỡ và Đại vương cũng không lo ngại gì". Tề vương Lưu Phì bèn dâng quận Thành Dương, tôn Lỗ Nguyên công chúa làm Vương thái hậu. Lã Thái hậu mừng rỡ bằng lòng, bèn đặt tiệc rượu ở cung riêng của Tề vương, sau khi uống chén rượu vui vẻ, Thái hậu cho Tề vương trở về nước mình[36].

Năm Huệ Đế thứ 3 (192 TCN), Lã Thái hậu cho người xây dựng lại quy mô thành Trường An. Sang năm (191 TCN), Thái hậu bãi bỏ Hiệp thư luật (挾書律). Đây là một luật lệ từ thời Tần Thủy Hoàng, nằm trong khuôn khổ đốt sách chôn Nho, không cho dân gian tàng trữ kiến thức sách vở. Thái hậu bỏ lệnh này, hạ chiếu cho dân gian tiếp tục tìm kiếm và dâng sách, khôi phục cựu điển đã bị hủy hoại thời Tần Thủy Hoàng.

Bức thư của Mặc Đốn

Hung Nô ở phương bắc khi đó thế lực rất mạnh và hay khiêu chiến với nhà Hán. Cao Tổ hoàng đế Lưu Bang khi còn sống từng giao chiến với Hung Nô và đã gặp nguy khốn ở Bình Thành. Sang thời Lã thái hậu cầm quyền, Hung Nô tiếp tục quấy rối biên giới.

Năm Hán Huệ Đế thứ 4 (192 TCN), lúc đó Thiền vu của Hung NôMặc Đốn thiền vu chết vợ, nghe tin Lã Thái hậu thay Huệ Đế nhiếp chính, là một góa phụ, bèn viết thư tỏ tình với lời lẽ trăng gió. Sách Hán thư đã ghi lại đoạn thư của Mặc Đốn mà Tư Mã Thiên nhận xét trong Sử ký là "lời lẽ bậy bạ" như sau[37]:

孤偾之君,生于沮泽之中,长于平野牛马之域,数至边境,愿游中国。陛下独立,孤偾独居。两主不乐,无以自虞(娱),愿以所有,易其所无。

.

Ông vua cô độc buồn rầu, sinh ra ở nơi đầm lầy, lớn lên ở nơi thảo dã bò ngựa, mấy lần đến biên giới muốn chơi Trung Quốc. Bệ hạ[38] thì buồn bã một mình. Hai chúa không vui, không có gì để giải buồn. Xin lấy cái có để đổi lấy cái không.

— Bức thư Mặc Đốn Thiền vu gửi Lã Thái hậu

Lã Thái hậu đọc thư rất tức giận, định điều binh đánh Mặc Đốn. Các tướng can rằng:"Giỏi và vũ dũng như Cao Đế mà còn bị nguy khốn ở Bình Thành". Thế rồi Thái hậu đành nén giận, lấy tông thất nữ quyến phong làm Công chúa gả cho Mặc Đốn, tiếp tục giữ chính sách giảng hòa với Hung Nô để yên bờ cõi[39][40][41][42].